Các thành phần hóa chất trong mỹ phẩm có tác dụng phụ không?

Dùng mỹ phẩm mỗi ngày, nhưng liệu bạn có biết đến tác hại mà các thành phần hóa chất có thể gây ra?

thành phần trong mỹ phẩm, hoa chat trong my pham co hai khong, hóa chất trong mỹ phẩm có hại không, tác dụng phụ của mỹ phẩm

Danh mục sản phẩm
Tin tức - sự kiện

Các thành phần hóa chất trong mỹ phẩm có tác dụng phụ không?

Dầu khoáng

 

Dầu khoáng dùng trong mỹ phẩm thường là loại dầu trong, không mùi, không màu được điều chế từ dầu mỏ. Đây là thành phần hóa học phổ biến trong các loại lotion, kem dưỡng, thuốc mỡ và một số sản phẩm trang điểm khác. Tuy nhiên, dầu khoáng nếu chưa được xử lý kỹ thì vẫn có thể chứa những chất gây rủi ro cho sức khỏe như polycycic aromatic hydrocarbons.

Hiện nay, hầu hết các nhãn mỹ phẩm lớn thường cam đoan loại dầu khoáng trong sản phẩm của họ đã được tinh chế kỹ càng, không chứa chất gây ung thư. 

 

 

Tác dụng chính của dầu khoáng là giữ ẩm. Điều đó có nghĩa là chúng không cung cấp thêm dưỡng chất mà chỉ đóng vai trò là lớp khóa ẩm. Nếu da bạn không đủ ẩm, việc bôi sản phẩm có chứa dầu khoáng chỉ khiến da duy trì tình trạng thiếu nước và dưỡng chất.

Trước đây dầu khoáng thường được sử dụng rộng rãi trong mỹ phẩm vì giá thành rẻ. Tuy nhiên, hiện nay trên thị trường đã có nhiều thành phần có tác dụng tương đương nhưng lành tính hơn. Bạn có thể sử dụng những sản phẩm có chứa các loại dầu thực vật như dầu ôliu, dầu hạt nho... thay thế cho dầu khoáng. Không chỉ giữ ẩm, chúng còn chứa các acid béo giúp da thêm săn chắc và chống oxi hóa.

 

Sáp dầu

 

Tương tự như dầu khoáng, sáp dầu cũng dẫn xuất từ dầu thô sau khi trải qua quá trình hóa dầu. Với công dụng giữ ẩm, làm mềm da, chất này được sử dụng nhiều trong mỹ phẩm - kể cả các mặt hàng dành cho trẻ em. Tuy nhiên, chúng cũng mang những rủi ro nhất định mà bạn cần lưu ý khi sử dụng.

 

 

Bất kỳ hóa chất nào cũng có thể gây hại nếu ta sử dụng sai cách. Một sai lầm thường gặp của người dùng là thường thoa sáp dầu lên vết bỏng. Thực tế sáp không làm mát và dịu đi vết bỏng, ngược lại còn ngăn ngừa nhiệt thoát ra ngoài, khiến da càng dễ bị tổn thương và nhiễm trùng hơn. 

 

Formaldehyde

 

 

Formaldehyde, hay thường được biết đến với các tên phọc-môn, là chất bảo quản có trong thực phẩm và dược mỹ phẩm. Chất này giúp kháng khuẩn và duy trì chất lượng mỹ phẩm sau khi mở nắp. Tuy có mặt trên hầu hết bao bì sản phẩm, formaldehyde có thể mang lại những tác hại mà người dùng cần cân nhắc khi sử dụng.

Sau thời gian dài tiếp xúc với formaldehyde, làn da của bạn sẽ chịu những ảnh hưởng nghiêm trọng. Các bệnh về hô hấp, bạch cầu hay ung thư cũng là những hậu quả hoàn toàn có thể xảy ra do tiếp xúc với formaldehyde.

 

Paraben

 

4 dẫn chất của paraben (gồm methylparaben, propylparaben, butylparaben và ethylparaben) là những chất bảo quản phổ biến, có mặt trong thành phần của kem dưỡng da, mỹ phẩm trang điểm, dầu gội, dầu xả...

Một nghiên cứu của Nagal JE vào năm 1988 đã chỉ ra rằng các sản phẩm chứa nhiều paraben có thể gây kích ứng đối với làn da nhạy cảm. Ngoài ra, khi tiếp xúc với tia UV, dẫn xuất methylparaben có thể bị phản ứng, gây lão hóa và khiến da yếu đi

 

 

Có ý kiến cho rằng, paraben có thể dẫn đến căn bệnh ung thư vú; tuy nhiên, sự thật là chưa có nghiên cứu nào chứng minh được điều đó. Để đảm bảo an toàn, bạn có thể chọn những sản phẩm cam kết paraben-free đang ngày càng phổ biến trên thị trường làm đẹp. Tuy nhiên, bạn cần lưu ý về hạn sử dụng và điều kiện bảo quản khi lựa chọn những sản phẩm này.

 

Hương liệu

 

Chất tạo mùi từ lâu đã không còn xa lạ trong mỹ phẩm. Mục đích của hương liệu là nhằm át đi mùi khó chịu có trong thành phần hóa chất và tạo cảm giác thư thái khi sử dụng.

Việc lạm dụng hương liệu có thể gây khô và kích ứng da, chưa kể đến việc nhiều người còn bị dị ứng với mùi hương. Nắm bắt được điều này, nhiều hãng đã cho ra các dòng sản phẩm không chứa hương liệu. Nếu là một người thích hương thơm nhưng lại sợ kích ứng, bạn có thể lựa chọn mỹ phẩm organic chứa thành phần tự nhiên có mùi dễ chịu như cam, bưởi, hoa hồng...

 

 

Silicone

 

Nhiều sản phẩm dưỡng da, trang điểm, dầu xả... thường chứa silicone trong thành phần. Khi thoa lên da, chất này sẽ len lỏi lấp đầy các lỗ chân lông, khiến bề mặt da trở nên mịn màng.

Silicone còn giúp khóa ẩm trên da, vô tình khóa cả những bụi bẩn, tế bào chết và dầu thừa vào sâu trong lỗ chân lông. Một ví dụ điển hình của tác hại silicone có thể bắt gặp ở dầu xả. Nhiều bạn không xả sạch loại dầu này sau khi gội, dẫn đến da đầu bị nổi mụn và tiết dầu nhiều hơn.

Thêm vào đó, nếu không tẩy trang kỹ, lớp silicone có thể đóng cặn trong lỗ chân lông, khiến da lên mụn hoặc dị ứng. Chúng còn làm giảm hiệu quả hấp thụ của da đối với các sản phẩm skincare mà bạn thoa sau đó. Vì vậy, tuy silicone không độc hại đối với da, nó vẫn là chất bạn nên hạn chế sử dụng.

 

 

Chì

 

Chì là chất giúp tạo màu trong son môi, và còn có trong nhiều sản phẩm dùng ngoài da khác như dầu gội, kem dưỡng... Nếu cơ thể tích tụ một hàm lượng chì cũng như các kim loại nặng khác, hệ miễn dịch của bạn sẽ bị phơi nhiễm. Sau một thời gian dài, thoái hóa cơ bắp và thần kinh là những tác hại có thể xảy ra đối với người bị nhiễm chì.

 

 

Tuy nhiên, chì cũng là một nguyên tố có ở khắp mọi nơi trên trái đất, kể cả trong nguồn nước. Vậy nên việc hoàn toàn loại bỏ chì là không thể. Hàm lượng chì trong mỹ phẩm mà Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ cho phép là dưới 0,001%. Đa số các mặt hàng hiện nay đều đạt yêu cầu về hàm lượng chì cho phép, mặc dù vậy vẫn có một số sản phẩm vượt mức.

 

Microbeads (hạt nhựa)

 

Nhiều người khi lựa chọn sữa rửa mặt hay tẩy tế bào chết thường thích mua sản phẩm có chứa hạt vi nhựa (microbeads), vì cho rằng chúng giúp làm sạch da hơn.

Tuy nhiên, trong những năm gần đây, nhiều nước trên thế giới đã áp dụng lệnh cấm các sản phẩm chứa loại hạt này. Nguyên nhân chính là do các hạt này không tan trong nước, khi trôi ra đại dương sẽ tích lại trong cơ thể sinh vật biển. Qua chuỗi thức ăn, con người có thể ngấm những chất này gây nguy hại đến sức khỏe.

Ngoài ra, nhiều loại mỹ phẩm chứa các hạt vi nhựa có kích thước to, dễ gây xước và tổn thương bề mặt da khi ma sát. Độ ẩm và lớp dầu tự nhiên trên da cũng bị mất đi. Do đó, bạn có thể cân nhắc sử dụng các loại tẩy tế bào chết hóa học thay vì vật lý. Nếu vẫn thích phương pháp tẩy vật lý thì các loại hạt hữu cơ tự nhiên như đường, muối, bột cám gạo... cũng có thể thay cho các hạt vô cơ.

 

 

Với nhu cầu sử dụng mỹ phẩm của con người tăng cao, ngày càng nhiều sản phẩm mới được ra đời với các tính năng vượt trội. Đi kèm với điều đó là việc tăng số lượng và hàm lượng hóa chất trong mỹ phẩm, gây nên tác hại khó lường cho cơ thể con người.

Cũng cần lưu ý rằng, không có hóa chất nào là hoàn toàn độc hại mà chúng còn phụ thuộc vào hàm lượng và cách sử dụng. Vì thế, người dùng cần trang bị kiến thức cho mình và đọc kỹ các thành phần được in trên bao bì để có thể lựa chọn sản phẩm phù hợp và an toàn dành cho mình.

(Nguồn: https://news.zing.vn/cac-thanh-phan-hoa-chat-trong-my-pham-co-tac-dung-phu-hay-khong-post926610.html)

Tags: